Phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Cơ địa trẻ không giống người lớn nên khi áp dụng cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em, bạn cần lưu ý để trị bệnh an toàn. Viêm mũi dị ứng thực chất là phản ứng tự vệ của cơ thể khi bị dị vật lạ xâm nhập vào đường hô hấp. Lúc này, cơ thể sẽ giải phóng kháng thể để tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh. Phản ứng giữa kháng thể và kháng nguyên khiến cho cơ thể giải phóng ra một lượng lớn histamin – chất gây nên một số triệu chứng viêm mũi dị ứng ở người.

Nhìn chung, viêm mũi dị ứng không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, không tìm biện pháp chữa trị, bệnh sẽ gây một số biến chứng đường hô hấp. Chính vì thế các bà mẹ bỉm sữa nên trang bị cho mình kiến thức về bệnh để có thể chủ động khi con em mình mắc phải.

viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Trẻ em có sức đề kháng yếu hơn người lớn nhiều nên dễ chịu tác động xấu từ môi trường. Không khí bẩn, bụi, nấm mốc, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, dị ứng với lông động vật… đều có thể tấn công đường hô hấp và gây bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em.

Bố mẹ có thể theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ, không khó để nhận diện trẻ bị viêm mũi dị ứng nhờ một số dấu hiệu điển hình:

  • Hắt hơi: Trẻ thường xuyên hắt hơi, không thể kiểm soát được. Điều này có thể lí giải khi dị vật xâm nhập tác động vào đường hô hấp, dị nguyên gây kích ứng niêm mạc mũi hình thành phản xạ hắt hơi.
  • Ngạt mũi: Dịch ứ đọng trong mũi khiến cho đường thở bị bít tắc, gây tình trạng ngạt mũi.
  • Sổ mũi: Trẻ chảy nước mũi liên tục, nước mũi có màu trong.
  • Sốt nhẹ: Tình trạng viêm mũi dị ứng nhẹ sẽ không gây sốt nhưng nếu bệnh nặng, cơ thể sẽ hình thành phản ứng viêm, lúc này tế bào bạch cầu được sản sinh nhiều hơn gây sốt.

Khi nhận thấy dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh để viêm mũi dị ứng kéo dài gây một số biến chứng nguy hiểm khác như: viêm phế quản, viêm họng…

Tham khảo thêm: Nhận biết các dấu hiệu viêm mũi ở trẻ sơ sinh

I. Cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em an toàn

Để giúp trẻ tránh khỏi những triệu chứng khó chịu của bệnh cũng như ngừa biến chứng do bệnh gây ra, việc nắm được các biện pháp điều trị cũng như những sai lầm thường gặp sẽ giúp ông bố bà mẹ có cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em đúng đắn và an toàn.

1. Hướng dẫn cách chữa viêm mũi dị ứng an toàn và hiệu quả cho trẻ

Nguyên tắc để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ không khác mấy so với người lớn. Đầu tiên, bạn cần xác định được tác nhân gây dị ứng, cắt nguồn cơn gây bệnh, sau đó dùng thuốc để điều trị.

cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Hướng dẫn cách điều trị viêm mũi dị ứng an toàn và hiệu quả cho trẻ

# Tìm ra nguyên nhân gây dị ứng

Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng là tìm ra tác nhân gây dị ứng. Nếu không biết tác nhân gây dị ứng là gì, bạn nên nhớ lại những sự kiện, chi tiết xảy ra tại thời điểm bị bệnh, áp dụng các biện pháp loại trừ để khoanh vùng nguyên nhân gây bệnh và tránh xa chúng. Chỉ có như vậy, việc điều trị bệnh mới diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

# Dùng một số thuốc để điều trị

Trẻ nhỏ ở những độ tuổi khác nhau sẽ được chỉ định những loại thuốc đặc trị bệnh viêm mũi dị ứng không giống nhau. Nhưng chung qui lại, một số thuốc chữa viêm mũi dị ứng đều nằm trong nhóm thuốc sau:

  • Nhóm thuốc kháng Histamin: 

Thuốc có hai dạng: dạng uống và dạng xịt, được chỉ định cho những trường hợp bệnh xuất hiện không thường xuyên và thời gian phát bệnh tương đối ngắn. Thuốc kháng histamin có tác dụng giảm nhanh triệu chứng bệnh nhưng dễ gây buồn ngủ.

  • Thuốc corticosteroid:

 Thuốc có nhiều dạng, dạng xịt, dạng tiêm, kem bôi. Thuốc khắc phục triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn.

  • Thuốc thông mũi:

Khi bị nghẹt mũi, trẻ có thể dùng thuốc thông mũi để dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc và dùng các loai thuốc trên quá 3 ngày bởi nó gây hiện tượng “dồn máu trở lại”, gây phù nề, tắc mũi, khiến bệnh nhân có nhu cầu nhỏ tiếp. Dùng liên tục sẽ gây nhiễm trùng nấm men hoặc gây tổn thương niêm mạc mũi.

  • Tiêm ngừa dị ứng:

Đối với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng hoặc dị ứng phổ biến như dị ứng phấn hoa, bác sĩ sẽ tiêm ngừa dị ứng. Theo cơ chế, người bị viêm mũi dị ứng sẽ được tiêm một lượng nhỏ tác nhân gây dị ứng và tăng dần theo mỗi mũi tiêm để giúp cơ thể tự hình thành khả năng dung nạp. Những mũi tiêm sẽ thay đổi hệ miễn dịch khiến phản ứng dị ứng không còn xuất hiện nữa.

Tiêm ngừa dị ứng hiệu quả đối với trẻ bị viêm mũi dị ứng theo mùa lẫn viêm mũi dị ứng quanh năm. Đây là chọn lựa tốt cho những ai không muốn uống thuốc dị ứng hoặc không thể tránh được tác nhân gây bệnh.

  • Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi

Liệu pháp trên được thực hiện bằng cách đặt dưới khe lưỡi một loại thuốc chứa nhiều chất khác nhau. Liệu pháp trên hiếm khi gây sốc phản vệ nhưng có thể gây ngứa miệng, ngứa họng.

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, bạn nên nhỏ mũi hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý hằng ngày cho hết chảy mũi. Trường hợp sốt trên 38 độ, bố mẹ cần nhanh chóng hạ sốt  cho trẻ bằng cách làm mát, dùng thuốc hạ sốt trong trường hợp cần thiết. Theo dõi nhiệt độ thường xuyên, và tiến hành những biện pháp điều trị nhanh chóng và kịp thời.

2. Một số sai lầm trong cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em bố mẹ cần lưu ý

Theo các chuyên gia khoa Nhi, khi bị viêm mũi dị ứng, những bà mẹ thường phạm môt số sai lầm trong quá trình điều trị bệnh, đó là:

cách điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Một số sai lầm trong chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ bố mẹ cần lưu ý

# Nhỏ nước ép tỏi

Các bà mẹ thường nhau truyền tai nhau cách ép nước cốt tỏi hòa với nước muối sinh lí, nhỏ mũi cho trẻ, từ đó trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã bác bỏ quan điểm trên.

Ông cho biết: “Đúng là trong tỏi có chứa chất Allicin có thể diệt nấm và vi khuẩn gây bệnh nên được dùng để chữa bệnh cúm. Tuy vậy, việc nhỏ nước ép tỏi cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của trẻ vì chúng gây nóng rát, phù nề. Với những trẻ dưới 3 tuổi, niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng trong khi nước tỏi, nhất là nước tỏi đạm đặc rất cay và nóng, hoàn toàn không phù hợp cho trẻ em.”

# Rửa mũi quá nhiều

Khi thấy trẻ bị viêm mũi dị ứng nước mũi nước dãi chảy nhiều, một số phụ huynh cẩn thận xịt, rửa mũi hằng ngày để con không bị ngạt mũi hay viêm mũi, tránh bệnh đường hô hấp. Rửa mũi là đúng nhưng quá thì lại không tốt.

Ở mũi trẻ lẫn mũi người lớn có cơ chế tự làm sạch. Việc rửa mũi quá nhiều khiến cho chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi bị mất đi. Trong khi lớp chất nhầy này có vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Mất đi lớp chất nhầy này đồng nghĩa với mũi trẻ dễ bị khô và viêm nhiễm hơn.

Các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch khi trẻ xuất hiện triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi đặc hay trong.

# Hút mũi cho trẻ

Khi bị viêm mũi dị ứng, trẻ thường ngạt thở, khó thở, nhiều đờm, ho khò khè. Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, nhiều bậc phụ huynh thường dùng miệng hút mũi của bé. Điều này hoàn toàn phản khoa học vì vi khuẩn từ miệng có thể truyền sang mũi bé, không những khiến lơi bất cập hại mà còn khiến cho bệnh nặng thêm.

Không dùng cách hút mũi trực tiếp, nhiều bâc phụ huynh dùng cách đưa ống xi lanh vào mũi. Tuy nhiên, cách trên nếu thực hiện không đúng có thể khiến trẻ sặc. Những lần đưa ống vào sâu trong mũi có thể khiến cho niêm mạc phù nề nặng hơn, khiến bệnh kéo dài, mãi không dứt.

# Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải khi chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em đó là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không kê toa trong khi chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Việc làm dụng thuốc co mạch, dùng quá thời gian qui đinh cho thuốc chứa corticoid… đều khiến những tổn thương ở niêm mạc mũi của trẻ ngày càng nặng hơn.

II. Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng viêm mũi dị ứng ở trẻ em tái phát

Viêm mũi dị ứng là bệnh khó điều trị triệt để và thường xuyên tái phát khi bắt gặp những tác nhân dị ứng, do đó, bố mẹ cần biết cách chăm sóc và phòng bệnh hiệu quả.

cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng viêm mũi dị ứng ở trẻ em tái phát

1. Tránh xa những tác nhân gây dị ứng

Những trẻ có cơ địa dị ứng, bạn cần cách li trẻ với những tác nhân gây dị ứng. Chẳng hạn, nếu trẻ bị dị ứng với lông động vật, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, bạn không nên nuôi chó mèo trong nhà, cho chúng ngủ chung giường. Nếu bị viêm mũi dị ứng theo mùa, bố mẹ nên cho trẻ dùng thuốc trước khi triệu chứng xuất hiện.

2. Vệ sinh mũi hằng ngày

Vệ sinh mũi hằng ngày là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đường hô hấp của trẻ cũng như phòng tránh được bệnh viêm mũi dị ứng. Nếu nhận thấy trẻ có hiện tượng chảy dịch mũi, bố mẹ nên dùng nước muối sinh lí để rửa mũi cho trẻ nhằm làm sạch những mảng bám đọng gây bệnh.

3. Giữ ấm

Trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu. Chính vì thế, cơ thể chậm thích ứng hơn với những biến đổi của môi trường, nhất là những ngày trở lạnh nên trẻ thường dễ bị bệnh đường hô hấp. Do đó, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ đúng cách để giảm nguy cơ viêm mũi dị ứng do thời tiết, chú ý đến phần cổ, họng và mũi, không để trẻ bị lạnh.

4. Giữ gìn vệ sinh môi trường sống

Kiểm soát môi trường sống sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Theo đó, bố mẹ cần:

  • Cho trẻ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khói  bụi.
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên giặt giũ chăn ga, gối, nệm và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

5. Bổ sung một số thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ

Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng tái phát ở trẻ. Cơ thể khỏe mạnh sẽ gia tăng sức đề kháng giúp trẻ chống chọi được những tác nhân gây bệnh. Bố mẹ nên bổ sung trong khẩu phần ăn của trẻ các loại rau, củ, quả giàu vitamin C và một số loai vi khuẩn có lợi cho đường ruột để giúp trẻ tự kháng lại các dị nguyên gây bệnh.

Trẻ em chưa biết cách bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây hại của môi trường. Do đó, bố mẹ cần lưu ý, có những biện pháp chủ động để có cách chữa viêm mũi dị ứng và phòng bệnh tái phát. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và kê thuốc điều trị.

Yến Nhi

Bạn đọc có thể tham khảo thêm:

XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *