Cách Phân Biệt Viêm Xoang Và Viêm Mũi Dị Ứng Đơn Giản Nhất
Viêm xoang và viêm mũi dị ứng là những bệnh đường hô hấp vô cùng phổ biến. Tuy nhiên triệu chứng của hai bệnh trên khá giống nhau nên thường gây nhầm lẫn, dẫn đến việc tự ý mua thuốc điều trị khiến cho bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm, khó chữa hơn.
Để nhận thức đúng về hai loại bệnh trên, dưới đây bác sĩ Nguyễn Trần Hoài Mỹ, chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội sẽ giúp bạn phân biệt rõ.
I. Hiểu đúng về bệnh viêm mũi dị ứng và viêm xoang
Mặc dù viêm xoang và viêm mũi dị ứng là hai bệnh khác nhau hoàn toàn về bản chất, xong những triệu chứng của chúng lại khá tương đồng nên rất nhiều người không phân biệt được đâu là viêm xoang, đâu là bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh viêm xoang và bênh viêm mũi dị ứng khác nhau như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ.
1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Thực chất, bệnh viêm mũi dị ứng là phản ứng tự miễn của cơ thể trước những tác nhân kích thích từ môi trường như: phấn hoa, bụi bẩn, mùi lạ, nấm mốc, thời tiết thay đổi đột ngột, lông thực vật… Một khi những tác nhân này xâm nhập vào cơ thể theo đường thở, đường ăn uống hoặc do tiếp xúc qua da, chúng sẽ tạo ra các kháng thể để kháng lại kháng nguyên. Phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể sẽ làm giải phóng histamin – chất gây dị ứng trong tế bào, gây bệnh viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có hai loại:
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: Bệnh do những tác nhân trú ẩn quanh nhà gây nên như: ve, mạt, mảng da bong tróc của thú nuôi, bào tử của nấm mốc ở trên giấy dán tường, rèm thảm, cây trồng trong nhà…
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: còn được gọi là sốt cỏ khô. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, hè, hoặc thu (tùy theo vùng) do những tác nhân: phấn hoa, bào tử trong gió, lá cây khô, nấm mốc…gây nên.
2. Viêm xoang là gì?
Viêm xoang là tình trạng các hốc xoang nằm bên trong mũi bị sưng, viêm khiến cho mủ trong xoang ứ đọng, gây bít tắc các hốc xoang. Tình trạng trên diễn ra lâu ngày gây tổn thương niêm mạc lớp lót của xoang, gây viêm xoang mãn tính. Bệnh viêm xoang mũi tiến triển qua hai giai đoạn:
- Viêm xoang cấp tính: Triệu chứng tái xuất hiện rầm rộ, mức độ mạnh nhưng nếu điều trị kịp thời, người bệnh thường khỏi rất nhanh.
- Viêm xoang mãn tính: Viêm xoang cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xoang mãn tính. Lúc này, triệu chứng không còn “dữ dội” như viêm xoang cấp nhưng tái phát thường xuyên, dai dẳng.
II. Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm xoang qua nguyên nhân gây bệnh
Nói về nguyên nhân gây bệnh, viêm mũi dị ứng, viêm xoang phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Những đối tượng sức khỏe yếu, chắc năng gan bị suy giảm, lệch vách ngăn ở mũi… cũng rất dễ bị hai loại bệnh trên. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng và viêm xoang cũng có những khác biệt cơ bản. Cụ thể:
1. Cơ địa dị ứng là nguyên nhân chính gây bệnh viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng không đến từ vi khuẩn, thương tổn ở bề mặt niêm mạc mũi mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Có thể cũng một tác nhân kích thích nhưng có người bị viêm, có người hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường. Cũng vì phụ thuộc vào cơ địa nên dị ứng có tính chất di truyền. Những người bị bệnh viêm mũi dị ứng được xem là người có cơ địa dị ứng.
2. Tác nhân gây viêm xoang là vi khuẩn, vi rút
Khác với viêm mũi dị ứng, bệnh viêm xoang không có tính di truyền. Nguyên nhân chính gây bệnh viêm xoang đó là do vi khuẩn, vi rút gây hại.
Xem thêm: Tổng hợp nguyên nhân gây bệnh viêm xoang
III. Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng thông qua triệu chứng bệnh
Về cơ bản, người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng đều xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi,… nên gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, chỉ cần nắm rõ những triệu chứng điển hình sau, bạn sẽ không dễ nhầm lẫn hai bệnh trên nữa.
1. Triệu chứng bệnh viêm xoang
Thông thường, người bị viêm xoang thường bắt gặp các triệu chứng sau:
Đau nhức vùng xoang bị viêm: Tùy theo vị trí của vùng xoang bị viêm, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức tại những vùng khác nhau. Cụ thể:
- Viêm xoang hàm: Người bị viêm xoang hàm thường xuyên nhức hai vùng má.
- Viêm xoang trán: Người bị viêm xoang trán sẽ cảm thấy giữa hai lông mày nhức.
- Viêm xoang sàng trước: Nhức khoảng giữa hai mắt.
- Viêm xoang bướm hoặc viêm xoang sàng sau: Cảm giác đau nhức xuất hiện tại vùng gáy, nhức sâu bên trong.
Chảy nước mũi: Đây cũng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang. Cũng là chảy dịch mũi nhưng dịch mũi do viêm mũi dị ứng khác với viêm xoang. Dịch do viêm xoang thường đục, có khi như mủ. Những người bị viêm xoang sàng trước dịch mũi chảy ra mũi trước, người bị viêm xoang sàng sau dịch mũi chảy vào họng.
Nghẹt mũi: Lỗ xoang bị bít tắc gây hiện tượng nghẹt mũi, mũi bị nghẹt có thể là mũi trái hoặc mũi phải, cũng có khi nghẹt cả hai bên.
Điếc mũi: Trường hợp viêm xoang nặng, niêm mạc mũi bị phù nề, mùi không thể đến được thần kinh khứu giác, người bệnh sẽ không còn nhận biết được mùi nữa.
2. Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng
Khác với bệnh viêm xoang, kết quả chụp X -quang sẽ cho thấy trong các hốc xoang chứa dịch mủ,người bị viêm mũi dị ứng kết quả chụp X-quang không có gì bất thường. Người bị bệnh viêm mũi dị ứng thường phát bệnh theo từng cơn, tùy theo thời điểm chịu tác động của tác nhân dị ứng. Người bệnh bắt gặp một số triệu chứng sau:
Ngứa mũi, hắt hơi: Triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh viêm mũi dị ứng mà hầu hết mọi người đều mắc phải đó là ngứa mũi, hắt hơi thành từng tràng và liên tục, không tài nào kiểm soát được. Đặc biệt, những người bị bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết sẽ thường hắt hơi rất nhiều khi trời lạnh, vào buổi sáng hoặc khi tiết trời thay đổi. Cơn hắt hơi xuất hiện nhiều và kéo dài sẽ kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ co thắt mạnh và liên tục.
Chảy nước mũi: Cùng là chảy dịch mũi nhưng dịch do viêm mũi dị ứng khác với viêm xoang. Dịch mũi do viêm mũi dị ứng khi mới khởi phát thường không có có mùi, có màu trong suốt. Những ngày sau, nước mũi có thể chuyển sang màu đục hơn do bị bội nhiễm.
Ngạt mũi: Triệu chứng trên xuất hiện do dịch ứ đọng trong mũi gây bít tắc đường thở, không khí không lưu thông được. Ngạt mũi do viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bên khiến bệnh nhân khụt khịt, khó thở.
IV. Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng thông qua cách điều trị
Những triệu chứng khó chịu của bệnh viêm xoang khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt hằng ngày. Bệnh viêm xoang nếu không điều trị dứt điểm có thể gây một số biến chứng như: viêm dây thần kinh thị giác, viêm họng mạn, viêm phế quản mãn tính. Do đó, khi nhận thấy những biểu hiện bất thường của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.
1. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm xoang
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân một số thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Riêng với trường hợp viêm xoang cấp tính, những thuốc trên không cần thiết.
Song song với việc dùng thuốc kháng sinh, một số thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm xoang được chỉ định gồm: Thuốc co mạch, thuốc chống viêm chứa Corticosteroids, thuốc giảm đau, nước muối xịt mũi.
Bệnh viêm xoang cấp tính không cần đến sự can thiệp của ngoại khoa. Nhưng nếu bệnh chuyển sang mãn tính, gây nhiều biến chứng phức tạp, lúc này, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng cách cách chọc xoang hàm để rút mũ, chỉnh vách ngăn, cắt polyp mũi, nạo xoang để lấy dịch ứ đọng trong xoang ra ngoài. Phương pháp này giúp tăng khản năng phục hồi nhanh chóng nhưng không hề gây đau.
2. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Xuất phát từ việc nghiên cứu, phân tích những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể áp dụng những nguyên tắc sau để thuyên giảm triệu chứng và điều trị bệnh hiệu quả:
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Tránh tiếp xúc với bụi, mốc, lông động vật, phấn hoa, hương nước hoa,… nếu như bạn dị ứng với một trong những yếu tố trên.
- Xịt mũi, nhỏ mũi khi bị ngạt bằng thuốc co mạch để lấy lại sự thông thoáng cho niêm mạc mũi.
- Sử dụng thuốc kháng Histamin như Promethazin, cetirizin, loratadin, azelastin…để giảm triệu viêm mũi dị ứng thể nhẹ và vừa; dùng thuốc xịt mũi Nozeytin (thành phần chính là Azelastin HCl) để giảm nhanh triệu chứng khó chịu do bệnh gây nên.
Mặc dù có những triệu chứng tương đồng nhưng bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng khác nhau về bản chất nên người bệnh cần lưu ý. Ngoài ra, các chuyên gia khuyên khi xuất hiện những triệu chứng bất kì trên, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên áp dụng các biện pháp dân gian như xông hơi bằng nước nghệ, nước cây ngũ sắc… đến khi bệnh không khỏi mới tìm đến bệnh viện. Khi đó, bệnh đã chuyển nặng hơn kèm theo nhiều biến chứng gây khó khăn trong việc điều trị.
Biên soạn: Anh Lạc
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!